Trong thời kỳ nền kinh tế toàn cầu đang chịu thiệt hại nặng nề từ đại dịch COVID-19 như hiện nay, việc tìm ra một kênh đầu tư hiệu quả và ít rủi ro là một câu hỏi khó. Nhiều nhà đầu tư đặt kỳ vọng rất lớn vào vàng với niềm tin giá vàng tăng khi có khủng hoảng kinh tế. Vậy bạn có nên mua vàng khi khủng hoảng kinh tế không?
1. Mối quan hệ giữa khủng hoảng kinh tế và giá vàng
Đã từ lâu, tương tự như dầu, vàng được coi là một loại hàng hóa đặc biệt – nó được sử dụng như một tiêu chuẩn giá trị cho các loại tiền tệ trên toàn thế giới. Giá vàng vô cùng nhạy cảm, dễ dàng lên xuống hoặc bị ảnh hưởng vì yếu tố tác động bên ngoài như các sự kiện thế giới, các thông tin chính trị, kinh tế, thiên tai, dịch bệnh…
Lịch sử giá vàng cho thấy khi các nhà đầu tư thiếu niềm tin vào chính phủ hoặc thị trường tài chính, mặt hàng này luôn có xu hướng tăng và là mặt hàng được nhiều người quan tâm nhất trong các cuộc khủng hoảng. Vàng là tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh kinh tế, chính trị bất ổn định.
Bên cạnh đó, giá vàng thế giới chịu ảnh hưởng lớn bởi tình hình kinh tế của các cường quốc, như Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia EU. Điều này có thể được minh chứng bởi những năm gần đây, giá vàng thế giới gần như biến động sát với diễn biến của thỏa thuận nâng trần nợ công Mỹ và cuộc khủng hoảng nợ công tại Châu Âu.
Trong thời điểm nền kinh tế diễn ra khủng hoảng, suy thoái kinh tế, giá vàng; giá đồng USD cũng như lãi suất… trên các thị trường tiền tệ thế giới thường biến động nhanh, liên tục và khó dự báo. Điều này thật tệ với đa số chúng ta, nhưng đây lại là cơ hội tuyệt vời cho các nhà đầu cơ. Vậy giá vàng biến động thế nào trong các cuộc suy thoái kinh tế?
2. Biến động của giá vàng trong các cuộc suy thoái kinh tế
Suy thoái kinh tế là là một phần không thể tránh khỏi của chu kỳ kinh tế. Giai đoạn này thể hiện thông qua một sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế kéo dài trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Các biểu hiện chính của suy thoái kinh tế bao gồm:
Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng
Thu nhập cá nhân giảm
Sản lượng công nghiệp tụt hậu
Một trong những công cụ được tin dùng nhất để chống lại tác động tiêu cực của những đợt suy thoái đó là vàng. Theo nguyên tắc chung, vàng tăng giá trong thời điểm thị trường tài chính gặp khủng hoảng. Hãy cùng chúng tôi xem xét phản ứng của giá vàng trong 2 thời kỳ kinh tế suy thoái nghiêm trọng dưới đây.
➤ Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 kéo dài 18 tháng trong suốt năm 2008 và 2009 và được đánh giá là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử tài chính thế giới. Vào giai đoạn này:
• Hàng loạt ngân hàng lớn gặp sự cố, trong đó có sự sụp đổ đế chế Lehman Brothers
• Các ngành công nghiệp trên diện rộng đã bắt đầu thu hẹp sản xuất
• Tín dụng toàn cầu gần như đóng băng
• Chứng khoán Mỹ cũng sụt giảm nghiêm trọng bắt đầu từ Quý III năm 2008.
Trong giai đoạn này, vàng một lần nữa lại thể hiện sức mạnh to lớn của một tài sản trú ẩn lý tưởng khi giá vàng liên tục tăng vọt. Từ năm 2008-2012, vàng thỏi đã tăng từ mức mở cửa là $872,37 (năm 2008) lên mức đóng cửa là $1664,00 (năm 2012). Sự tăng giá vàng được cho là do các nhà đầu tư quan tâm hơn đến việc quản lý rủi ro hệ thống và cũng là hệ quả của việc đồng USD lao dốc.
Tuy nhiên, thị trường vàng đã có đà tăng từ những năm 2001-2007, trước cả khủng hoảng. Do đó, vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc giá vàng tăng là sản phẩm của suy thoái hay chỉ đơn giản là sự tiếp nối của xu hướng trước đó?
Các ví dụ trong lịch sử khác như cuộc Đại suy thoái, cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970 và vụ phá sản năm 2000 của dot.com đều cho thấy rằng giá vàng thường vượt qua các tài sản rủi ro hơn khi tâm lý e ngại trên thị trường tăng lên.
➤ Đại dịch COVID-19 năm 2020 ảnh hưởng tích cực tới giá vàng
2020 là một năm khó khăn với nền kinh tế toàn cầu khi thế giới phải đương đầu với đại dịch corona virus (COVID-19). Khi dịch bệnh lan rộng, sản lượng kinh tế nhanh chóng bị đình trệ do các quốc gia lần lượt ban hành các lệnh phong tỏa, kiểm dịch và hạn chế đi lại. Tình trạng thất nghiệp diễn ra tràn lan và số liệu GDP thấp kỷ lục đã xác định sự suy yếu của nền kinh tế trong năm 2020. Trong giai đoạn này, sự không chắc chắn đã chi phối tâm lý thị trường.
Trong thời gian ngắn, giá vàng đã phản ứng với cuộc suy thoái COVID-19 theo xu hướng tăng giá từ mức thấp của tháng 3 năm 2020 (1472,35 USD) lên mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 8 năm 2020 (2,058,40 USD), giá vàng đã nhanh chóng đem về lợi nhuận lên đến 39,8% cho các nhà đầu tư.
➤ Có nên mua vàng khi khủng hoảng kinh tế không?
Từ các ví dụ trong phần 1, có thể thấy vàng thường tăng giá trong các thời kỳ suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là, trong thời kỳ suy thoái này, vàng có phải là khoản đầu tư an toàn không?
Có thể khẳng định, vàng được coi là một khoản đầu tư an toàn, đặc biệt là trong thời điểm tài chính bất ổn, lạm phát cao, tỷ giá hối đoái mất giá và suy thoái kinh tế. Nguyên nhân là:
• Vàng có giá trị nội tại. Các loại tiền tệ như đồng USD hoặc GBP có thể giảm giá trị – phụ thuộc vào sức mạnh và sự ổn định của nền kinh tế quốc gia đó – Điều này sẽ là rủi ro cực lớn nếu nền kinh tế đó xảy ra tình trạng siêu lạm phát. Tiền của bạn có nguy cơ trở thành giấy lộn. Trong thời kỳ khủng hoảng này, vàng là một khoản đầu tư rất tốt.
• Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, vàng được coi là khoản đầu tư tốt hơn so với chứng khoán. Trong một cuộc suy thoái, thông thường giá cổ phiếu sẽ giảm do các công ty kiếm được ít lợi nhuận hơn. Ngược lại, vàng được coi là một khoản đầu tư an toàn vì giá trị tài sản được bảo toàn. Điều này khuyến khích các nhà đầu tư đầu cơ mua vàng thay vì các khoản đầu tư rủi ro khác. Bạn có thể quan sát điều này qua biểu đồ so sánh giá vàng và chứng khoán trong 11 năm từ 2000 đến 2011.
• Vàng cũng sẽ trở nên hấp dẫn trong trường hợp lãi suất thực âm, tức là lạm phát cao hơn lãi suất danh nghĩa.
Công thức tính lãi suất thực: Lãi suất thực tế = lãi suất danh nghĩa – lạm phát
Khi FED định hình chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ thì nền kinh tế vĩ mô và thị trường vàng cũng bị ảnh hưởng rõ rệt.
Lãi suất sẽ tăng khi FED thắt chặt chính sách tiền tệ. Nếu lãi suất sẽ tăng nhanh hơn lạm phát, lãi suất thực tế sẽ tăng lên. Trong khi đó, vàng là một loại tài sản không sinh lãi và ít thu hút các nhà đầu tư hơn.
Trong khi đó, lãi suất sẽ giảm khi FED nới lỏng chính sách tiền tệ. Lãi suất thực sẽ giảm nếu lãi suất giảm nhanh hơn lạm phát và khi đó, các nhà đầu tư có cái nhìn thiện cảm hơn với vàng.
Điều này có thể thấy được khi FED định hình chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ thì nền kinh tế vĩ mô và thị trường vàng cũng bị ảnh hưởng rõ rệt.
3. Đầu tư vàng trong thời kỳ suy thoái phải chú ý điều gì?
Nói chung, giá vàng thường tăng trong các chu kỳ kinh tế suy thoái. Tuy nhiên, xu hướng này không phải là một sự đảm bảo chắc chắn bởi trên thị trường sẽ diễn ra các yếu tố khác thúc đẩy sự điều chỉnh trở lại như nguồn cung vàng thỏi tăng đột biến hoặc các chính phủ chuyển sang chính sách Hawkish (Chính sách tiền tệ diều hâu).
Vì vậy, hãy luôn ghi nhớ những điều sau khi đầu tư vàng:
• Lạm phát và đồng tiền mất giá mới là yếu tố thực sự khiến Vàng trở thành một khoản đầu tư hấp dẫn.
• Không có mối liên hệ rõ ràng nào giữa suy thoái kinh tế và giá vàng tăng. Ví dụ, bạn có thể quan sát biến động của giá vàng trong thời kỳ bùng nổ từ năm 2001- 2007 (biểu đồ so sánh giá vàng và chứng khoán trong 11 năm từ 2000 đến 2011 ở phần 2), dù thời kỳ này không xảy ra suy thoái kinh tế nhưng giá vàng vẫn tăng hơn 200%.
• Vàng cũng sẽ tăng giá nếu người dân mất niềm tin vào giá trị trái phiếu Chính phủ. Ví dụ: nếu nợ quốc gia của Hoa Kỳ trở nên quá lớn, trên thị trường tài chính sẽ có một cuộc đổ xô đầu tư vào vàng.
• Nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến giá vàng ngoài chu kỳ kinh tế. Một yếu tố cơ bản nhất đó là nhu cầu về vàng. Ấn Độ là một trong những quốc gia có nhu cầu lớn nhất toàn cầu về vàng. Nếu quốc gia này gặp suy thoái kinh tế, thì điều này có khả năng ảnh hưởng đến nhu cầu vàng trên toàn cầu và dẫn đến giá giảm.
• Giá vàng cũng phụ thuộc vào nguồn cung cấp. Nếu nguồn cung vàng tăng lên, thì giá vàng có thể giảm bất chấp nền kinh tế đang ở giai đoạn suy thoái.
Lời kết
Có nên mua vàng khi khủng hoảng kinh tế không là một câu hỏi với nhiều nhà đầu tư. Mặc dù không có lập luận nào về việc giá vàng sẽ tăng hay giảm khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, song có thể nói rằng, so với phần lớn những kênh đầu tư khác thì đầu tư vào vàng khi khủng hoảng kinh tế là một lựa chọn không tồi. Tuy nhiên, để có những quyết định đầu tư chính xác, bạn nên tìm hiểu thêm tin tức và phân tích thêm các yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng khác. Nếu có bất cứ thắc mắc gì, vui lòng để lại bình luận dưới đây.