Đoàn Mạnh Tuấn, người đứng sau sàn giao dịch ROBOMINE liên tục “chém gió”, bịa đặt những câu chuyện không có thật nhằm tạo niềm tin từ nhà đầu tư. Đến khi số tiền huy động được khoảng 2000 tỷ đồng, ROBOMIE bất ngờ bảo trì khiến hàng ngàn nhà đầu tư điêu đứng.
“Ông trùm” thích “chém gió” của ROBOMINE là ai?
Liên quan đến vụ lừa đảo tiền ảo hàng ngàn tỷ đồng của sàn giao dịch tiền ảo ROBOMINE, nhà đầu tư đã làm đơn tố cáo êkip của ông Đoàn Mạnh Tuấn gồm 10 thành viên, trong đó có 3 đồng chủ mưu là Phạm Trọng (Thomas Phạm), Kiều Đức Thật và một người tên Vinh tại Hải Phòng.
Ngoài ra, còn có 1 kỹ thuật, 3 người môi giới và 2 người tiếp tay cho 4 chủ mưu trên.
Đoàn Mạnh Tuấn được biết đến là “ông trùm” của sàn giao dịch này tự quảng cáo ROBOMINE là ngân hàng số đến từ Anh Quốc.
Người tham gia chỉ cần gửi tiền vào, hàng tháng sẽ được lĩnh lãi bằng đồng tiền ảo có tên là RBM. Lãi suất cao lên tới 15%/tháng, 180%/năm.
Hàng chục nghìn người đã bỏ tiền tham gia vào cái gọi là ngân hàng số này và nay gần như mất trắng vì website của Robomine đã ngừng hoạt động. Vậy thực chất ROBOMINE là gì?
"ROBOMINE là một ngân hàng số. Các anh chị tự quản lý ví tiền của mình. Tiền nó vẫn nằm trong ví các anh chị, thích nạp thích rút lúc nào cũng được.
Dự án được bảo trợ bởi RBMP Capital Management, dựa trên nền tảng Mobile Blockchain Pi Network.
Giám đốc kỹ thuật của Robomine là Nicolas Kokkalis - người lừng danh trong lĩnh vực Blockchain. Anh đầy tâm huyết sẽ phát triển Robomine tiến xa trong thời gian tới", Đoàn Mạnh Tuấn giới thiệu với các nhà đầu tư.
Mặc dù ekip của Tuấn quảng cáo dự án này được sáng tạo bởi tiến sĩ Nicolas Kokkalis - cha đẻ của đồng Pinetwork, giảng viên Đại học Stanford.
Tuy nhiên, khi tìm kiếm hồ sơ của Tiến sĩ này trên Twitter không thấy có bất kỳ mối liên hệ nào với ROBOMINE.
Những người môi giới của ROBOMINE luôn khẳng định tiền ảo Robomine được tạo ra từ nền tảng Blockchain 4.0 riêng, có đội ngũ phát triển cộng đồng, có công nghệ và chỉ có thể dùng máy để đào.
Tuy nhiên khi phóng viên tra cứu thông tin về ROBOMINE trên trang Etherscan - một trang thông tin dùng để tra cứu giao dịch trên mạng lưới Blockchain thì ROBOMINE thực chất chỉ là 1 token, được tạo ra vô cùng dễ dàng.
Những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực IT giải thích, việc tạo ra 1 token trên nền tảng Ethereum như ROBOMINE không quá khó khăn và chi phí để tạo ra 1 token này thậm chí chỉ 0 đồng.
Đoàn Mạnh Tuấn lôi kéo nhiều người nổi tiếng tham gia sàn giao dịch ROBOMINE
Đoàn Mạnh Tuấn và ekip của mình đã nói dối nhà đầu tư về đồng ROBOMINE và còn thường xuyên mở các lớp thuyết trình, tổ chức hội thảo nhằm lôi kéo nhiều người.
Tham gia quảng cáo cho Robomine còn có cả những người mang danh nhà khoa học.
Chẳng hạn như tiến sĩ Phan Quốc Việt trực tiếp đứng lớp với danh nghĩa đào tạo về công nghệ blockchain.
Ngoài ra, ông Việt cũng tham gia đào tạo khá nhiều lớp có hình thức giống với mô hình tổ chức của ROBOMINE, cũng với danh nghĩa đào tạo về công nghệ blockchain.
Không chỉ có vậy, Tuấn còn xây dựng hệ thống đa cấp chia sẻ cho những người khác để hưởng hoa hồng hệ thống, F1 hưởng 100%; F2 hưởng 50%; F3 ~ F20 hưởng 5% của lợi nhuận coin đào.
Trong năm 2021, Đoàn Mạnh Tuấn và ekip đã liên tục tổ chức những buổi hội nghị hội thảo lớn quy mô tới hàng trăm người trên các nhóm kín như Zalo, kêu gọi hàng nghìn người từ các tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Tháp, Thái Bình, TPHCM… tham gia đầu tư dự án Robomine.
Mỗi nhóm có tới hàng chục nghìn người tham gia, ước tính số tiền bỏ vào lên tới 2000 tỷ đồng.
ROBOMINE thực chất là một dự án lừa đảo đa cấp quy mô lớn
Thoái thác trách nhiệm, liên tục nói dối
Dự án ROBOMINE mới hoạt động được nửa năm thì đến tháng 1/2021, RBM bỗng nhiên bị cho là vướng lỗi kỹ thuật trục trặc phải bảo dưỡng bảo trì hệ thống và không cho người tham gia truy cập.
Đến tháng 6 vừa qua, RBM chính thức thông báo mất hết dữ liệu. Hàng nghìn người đã chính thức không còn mở được tài khoản ví điện tử của mình trên ROBOMINE.
Cùng lúc đó hàng loạt các hội nhóm của ROBOMINE trên các trang mạng xã hội cũng đồng loạt bị giải tán.
Trong quá trình vận hành, ROBOMINE nhiều lần thông báo cập nhật nâng cấp phần mềm có lúc thông báo cho nhà đầu tư thời gian cụ thể quá trình nâng cấp.
Tuy nhiên, lần nâng cấp ngày 25/1/2021 liên tục báo chậm và cho đến nay vẫn chưa cập nhật xong.
Nhà đầu tư sốt ruột hỏi Tuấn về quá trình cập nhật, nhưng lúc này Tuấn chỉ trả lời quá trình vẫn đang tiếp tục cập nhật và khuyên cộng đồng nhà đầu tư hãy chờ đợi.
Các nhà đầu tư không rút được tiền ảo trong ví, nhiều ví lập từ tháng 12 đến nay không thể đăng nhập được.
Các lịch sử giao dịch nạp coin Tron (TRX) vào ví RBM cũng không thể kiểm tra, không đăng nhập được.
Nhiều ví kiểm tra lịch sử đã thấy coin gốc nạp vào đã bị di chuyển tới các địa chỉ không xác định. Đến nay, Tuấn vẫn bảo RBM đang cập nhật.
Nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, nhiều nhà đầu tư đã liên hệ với ông Tuấn. Tuy nhiên, ngay lập tức đã bị ông ta chặn cuộc gọi, “kick” ra khỏi các nhóm đầu tư RBM.
Sàn giao dịch này đã gây thiệt hại gần 2000 tỷ đồng cho hàng ngàn nhà đầu tư
Không chỉ có dấu hiệu lừa đảo mà ông trùm của ROBOMINE từng nhiều lần bị lên án vì hành vi “chém gió” quá đà.
Để tạo niềm tin từ các nhà đầu tư, Đoàn Mạnh Tuấn và các đối tượng cầm đầu thường xuyên khoe ảnh chụp với các lãnh đạo cấp cao, “nổ” các mối quan hệ rộng lớn với những người có ảnh hưởng với xã hội, khoe cuộc sống vương giả, sang giàu.
Thời gian đầu khi chạy dự án ROBOMINE, Tuấn thường tổ chức các buổi hội thảo, offline, chia sẻ kinh nghiệm với các nhà đầu tư tại khu căn hộ cao cấp ở tòa nhà West Point số 2 Đỗ Đức Dục, Mễ Trì, Hà Nội.
Toàn bộ địa điểm này, Tuấn cho đầu tư, sửa sang nhìn hoành tráng, đẹp đẽ không khác gì các trung tâm thương mại cao cấp.
Tại các buổi hội thảo, đào tạo, Tuấn và ê-kíp của mình chia sẻ mong muốn xây dựng một cộng đồng Blockchain chuẩn mực, tử tế và chân thành, mang giá trị tốt đẹp đến cho cộng đồng và để lại di sản số cho người Việt Nam.
Ông Trần Trọng Hiếu, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Tài chính, Giáo dục, Bất động sản, Kết nối Đầu tư Quốc tế (IDJ Group) cho biết thông tin ông Đoàn Mạnh Tuấn tự nhận từng làm việc cho tập đoàn là sai sự thật.
"Ông Tuấn cũng chưa bao giờ là nhân viên của tôi hay tôi đầu tư gì với ông Tuấn với bất kỳ hình thức nào.
Bạn này không hề liên quan đến IDJ. IDJ không đầu tư vào dự án tiền ảo của Tuấn dưới bất kỳ hình thức nào. Đây là hành vi nói dối trắng trợn", ông Trần Trọng Hiếu nói.
Nguồn: Taichinhso