Trong cuộc đời của mỗi người sẽ có nhiều cột mốc quan trọng, đánh dấu từng giai đoạn bước ngoặt. Và độ tuổi 30 là một trong những cột mốc quan trọng ấy khi lúc này bạn đã để tiềm lực về kinh tế lẫn kinh nghiệm để bắt đầu xây dựng cuộc sống gia đình và phát triển sự nghiệp riêng. Do đó nếu bạn chưa đến tuổi 30 thì hãy ngay lập tức đặt ra cho bản thân 5 mục tiêu tài chính quan trọng sau để có được sự chuẩn bị tốt nhất ngay từ bây giờ nhé!
1. Bắt đầu xây dựng thói quen chi tiêu hợp lý
Đây là mục tiêu tài chính quan trọng nhất bạn cần xây dựng ngay từ bây giờ. Bạn nên chỉ giới hạn mức chi tiêu hàng tháng của mình trong khoảng từ 50 đến 70% mức thu nhập cá nhân. Số phần trăm còn lại sẽ được dùng vào mục đích dự phòng, tiết kiệm hoặc đầu tư,... tùy thuộc vào mục tiêu của bạn. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì tiêu hết thu nhập chưa bao giờ là một ý hay vì nó sẽ khiến bạn phải đi vay mượn nếu chẳng may rơi vào tình huống bất ngờ, đột xuất. Có lẽ dịch Covid hiện nay là một minh chứng không thể thuyết phục hơn cho việc cần phải có cho mình một quỹ dự phòng.
Và để việc quản lý chi tiêu được hiệu quả hơn, bạn có thể ghi lại nhật ký chi tiêu của mình, để mỗi cuối tháng bạn sẽ đánh giá xem mình liệu đã chi tiêu hợp lý hay chưa. Nhờ vậy bạn sẽ luôn kiểm soát được việc chi tiêu của bản thân.
2. Lập một tài khoản tiết kiệm
Ý này liên quan mật thiết với ý phía trên. Tài khoản tiết kiệm là một nền tảng không thể thiếu giúp bạn lưu trữ tiền của mình an toàn và có được lợi nhuận (dù là ít) trên số tiền đó. Đây cũng là nền tảng giúp bạn có được một cuộc sống vững vàng về mặt tài chính khi bước sang tuổi 30. Thường thì khi đến độ tuổi này yêu cầu tối thiểu là trong tài khoản tiết kiệm của bạn nên có từ 80 đến 100 triệu đồng.
Ngoài ra hãy tuân theo nguyên tắc “các chiếc túi” - điều này sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc đạt được mục tiêu tài chính này.Khi với số tiền tiết kiệm, bạn hãy chia ra thành những “chiếc túi” dùng cho từng mục đích quan trọng như lập gia đình, mua nhà, đầu tư, giải trí, phòng thân, báo hiếu bố mẹ,...
3. Có quỹ dự phòng khẩn cấp
Mục tiêu tài chính thứ ba cũng quan trọng không kém đó là bạn phải có một quỹ dự phòng khẩn cấp cho mình. Để đạt được điều này mỗi tháng bạn nên trích khoảng 5 đến 10% thu nhập để lập một quỹ dự phòng khẩn cấp. Và bạn tuyệt đối không được tùy ý tiêu khoản tiền này nếu không thật sự cần thiết. Vì quỹ dự phòng là thứ sẽ giúp bạn trong những tình huống nguy cấp.
Một quỹ dự phòng khẩn cấp mang lại những lợi ích, có khi còn sẽ là cứu cánh của bạn trong những trường hợp như bản thân bị ốm đột ngột, những biến cố xảy ra ngoài ý muốn như dịch bệnh, thất nghiệp, nhà cửa bị vấn đề, hay hỗ trợ người thân trong lúc khó khăn.
4. Nói “không” với nợ nần
Khi ở độ tuổi trước 30, bạn thường bị tác động bởi nhiều yếu tố mà bạn không thể đáp ứng nhu cầu tài chính như học phí đại học, cao học, hay các mục đích cá nhân như mua trả góp… Điều này là rất bình thường và hoàn toàn chấp nhận được, vì suy cho cùng ai trên đời chẳng ít nhất mắc nợ một lần. Tuy nhiên việc vay mượn có kiểm soát và chìm trong nợ nần là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Do đó để sẵn sàng đón cột mốc 30, bạn nên xây dựng mục tiêu tài chính bằng cách cố gắng thanh toán tất cả các khoản nợ trước năm 30 tuổi, vì nếu sau độ tuổi này bạn vẫn không giải quyết dứt điểm với nợ nần, thì áp lực trả nợ cùng lãi suất hàng tháng, hàng năm sẽ khiến bạn sao nhãng, không được toàn tâm toàn ý trong việc xây dựng sự nghiệp. Và hãy nên nhớ, từ năm 30 tuổi trở đi, bạn không còn cách độ tuổi trung niên quá xa nữa đâu. Nên hãy dứt điểm với nợ nần càng sớm càng tốt.
Một trong những cách hữu hiệu nhất để đạt được mục tiêu tài chính này đó là không bao giờ vay mượn nếu không thật sự cần thiết. Và hãy đảm bảo rằng nơi bạn vay mượn là những nơi hợp pháp, có mức lãi suất phù hợp theo pháp luật, vì không gì tồi tệ hơn một khoản vay với lãi suất cắt cổ, lãi mẹ đẻ lãi con.
Giải quyết nợ sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền dễ dàng hơn, tâm lý cảm thấy nhẹ nhõm hơn, tạo tiền đề giúp bạn hoàn thành được mục tiêu tài chính sắp tới.
5. Mua bảo hiểm cho tương lai
Trên thực tế có khá nhiều người xem nhẹ việc mua bảo hiểm, cho rằng hàng tháng phải chi ra một số tiền để đóng bảo hiểm là lãng phí và không cần thiết. Tuy nhiên bạn nên biết rằng thông qua việc mua bảo hiểm trong thời điểm hiện tại, bạn đồng thời cũng đang mua cho mình sự an tâm cho tương lai dài rộng về sau. Và đây cũng có thể được xem là một mục tiêu tài chính.
Trước 30 tuổi, bạn nên dùng khoảng 10% để mua bảo hiểm tùy theo các mục đích khác nhau như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tiết kiệm, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo...
Nếu thu nhập cao, bạn có thể lập tài khoản tiết kiệm để dự phòng rủi ro. Còn nếu thu nhập vừa đủ, bạn nên mua bảo hiểm. Bảo hiểm không chỉ giúp bạn tiết kiệm chi tiêu mà còn hỗ trợ bạn về mặt tài chính khi có rủi ro xảy ra.
Lời kết
Sự tự lập phụ thuộc vào chính khả năng tự chủ tài chính của bạn. Để đảm bảo cho tương lai của chính bạn, gia đình và người thân, bạn hãy cố gắng hoàn thành mục tiêu tài chính phù hợp mà mình đặt ra trước 30 tuổi nhé!!!