Khái niệm về nến Inside Bar
Trong tiếng Anh “Inside” nghĩa là nằm trong, nên đây là mẫu mô hình 2 nến, được cấu tạo theo dạng “nến nằm trong nến”, với 1 nến to thân dài ôm trọn vẹn cây nến còn lại, giống như kiểu mẹ bồng con vậy.
Inside Bar là mẫu mô hình “hai mang” nghĩa là Inside Bar vừa có thể báo hiệu xu hướng chuẩn bị kết thúc để một xu hướng mới chuẩn bị diễn ra. Hoặc Inside Bar vừa thể hiện sự tiếp diễn của xu hướng trước đó.
Đặc điểm của nến Inside Bar
Cũng vì ý nghĩa của tên gọi như vậy nên nhà đầu tư đã đặt tên cho cây thứ nhất của cụm Inside Bar là nến Mother Bar, và cây còn lại, cây thứ 2 là cây Inside Bar. Do có sự “ôm ấp” từ cây số 1, nên để thoả mãn điều kiện trở thành Inside Bar hàng “chính hãng,” không phải hàng Fake, thì cây nến thứ 2 hay nến Inside Bar phải có đáy cao hơn và đỉnh thấp hơn so với nến đứng trước đó.
Điều này đồng nghĩa, cây nến thứ 2 phải thực sự nằm gọn trong cây nến thứ 1 gồm cả 2 phần là râu nến và phần thân nến.
Ngoài ra, theo lý thuyết cổ điển để giúp cho mô hình hoạt động hiệu quả thì màu nến của 2 cây phải ngược nhau, nếu Mother Bar là một cây nến xanh (nến tăng), thì cây Insider Bar ngược lại phải là 1 cây nến màu đỏ (nến giảm). Tương tự, nếu cây Mother Bar là một cây nến đỏ, thì cây Inside Bar sẽ phải là cây nến màu xanh.
Tuy nhiên, hiện tại mẫu mô hình nến Inside Bar này đã có nhiều sửa đổi, không nhất thiết 2 cây nến phải khác nhau về mặt màu sắc có thể hoàn toàn giống nhau. Và chỉ cần thoả mãn điều kiện nến nằm trong nến, nghĩa là cây nến số 1 lúc nào cũng phải vô cùng to lớn để cây nến thứ 2 luôn lọt thỏm nằm trong nến số 1 là đủ.
Các dạng mô hình nến Inside Bar
Về cơ bản, như có giải thích trước đó, nến Inside Bar là mẫu mô hình 2 nến. Nhưng càng ngày mẫu mô hình này càng được biến thể mở rộng, không nhất thiết phải 2 nến có thể là 3, nến hoặc 4 nến mà một số trader quen gọi là mẫu Insider Bar đa nến.
Khi xuất hiện các mẫu Inside Bar đa nến thì việc không quan tâm đến màu sắc nến là một điều chắc chắn, vấn đề của nhà đầu tư quan tâm ở đây là những nến “con” sau nến Mother Bar kia phải có kích thước nhỏ hơn, sao cho hoàn toàn nằm trong nến Mẹ, không được lớn hơn, nếu không mô hình nến Inside Bar không được hình thành.
Như vậy điều kiện tiên quyết để có nến Inside Bar hàng chuẩn là cây nến to lớn như “gấu mẹ vĩ đại” che chở cho đàn con nằm ở phía sau, màu sắc nến không quá quan trọng, xanh đỏ tuỳ ý. Nếu trong quá trình mô hình được hình thành, bỗng dưng có 1 nến “con” cao lớn vượt quá cả cây nến Mother Bar, thì mô hình sẽ bị xem là sai.
Diễn biến tâm lý mô hình nến Inside Bar
Mỗi 1 cây nến được hình thành đều chứa toàn bộ tâm lý của nhà giao dịch trong đó, chính vì thế mẫu nến Inside Bar không ngoại lệ. Cây nến đầu tiên là 1 cây nến vô cùng lớn như mẹ gấu vĩ đại, cho thấy 1 trong 2 phe đang áp đảo và tất nhiên phe thắng thế đang rất kỳ vọng giá có thể tiếp tục đi theo chiều hướng họ mong muốn, có thể ngày càng giảm mạnh (với phe thắng thế là phe Sell), hoặc giá sẽ càng ngày càng tăng mạng nếu phe đang thắng thế là phe Buy.
Tuy nhiên, kết quả có lẽ không được như mong đợi, thậm chí khối lượng giao dịch còn rất hạn chế khiến cho cây nến thứ 2 (nến Inside Bar) trở thành 1 cây nến “thấp bé nhẹ cân” mới có thể lọt thỏm trong cây nến thứ nhất.
Khi có cây nến tăng mạnh, đặc biệt lại có màu xanh ngát, sẽ khiến cho nhà đầu tư luôn kỳ vọng giá phải tiếp tục tăng, nhưng nếu khi kỳ vọng đó bị sụp đổ, bạn sẽ tự đặt câu hỏi liệu bây giờ có phải là lúc nên chốt lời hay không?
Vì phải ngồi cân nhắc và đặt câu hỏi như vậy, nên sẽ khiến các giao dịch đi vào hướng thận trọng, ít dần ít dần, điều này cũng chính là nguyên nhân khiến cho nến thứ 2 nhỏ hẹp hơn nến 1, với trường hợp Inside Bar đa nến có thể thấy sẽ xuất hiện hàng loạt nến nhỏ, đứng đằng sau cây nến Mother Bar. Nếu mẫu nến này xuất hiện tại khung D1, bạn có thể xem đối chiếu chúng xuống các khung nhỏ hơn như H4 hay H1, sẽ thấy sẽ thấy giá cả đang hình thành các mô hình tam giác tích luỹ.
Sở dĩ có chuyện tích luỹ là bởi như tôi nói ở trên, phe thắng thế không thể nào đẩy được giá lên cao hơn hoặc thấp hơn (tuỳ vào phe nào đang thắng thế) và phe yếu thế cùng không đủ sức để đẩy giá lên hoặc đẩy giá xuống nhằm tạo ra các đáy ngược lại thấp hơn hoặc cao hơn, chính vì thế bạn có thể để ý, những nến Inside Bar nằm trong mẫu đa nến rất hay có dấu hiệu rút chân. Và dù thế nào đi chăng nữa chúng vẫn phải nằm lọt thỏm trong cây nến số một.
Khi quá trình tích luỹ diễn ra cũng giống như một quả mìn được nhồi vậy, nhồi càng chặt, càng lâu thì khi 1 trong 2 phe cướp cờ sẽ khiến cho giá bị đẩy cực mạnh, có thể theo chiều hướng tiếp diễn hoặc đảo chiều, tuỳ thuộc vào phe nào thắng thế, nên quá trình tích luỹ cũng là cách để 1 trong 2 phe xem xét và chuẩn bị hành động sau này.
Mô hình Inside Bar và nến mẹ bống con (Harami)
Hai loại nến này có thể xem là 1, tên gọi Harami được gọi theo tiếng Nhật, theo cách giao dịch của người Nhật nghĩa là “mẹ bồng con” còn cách gọi Inside Bar là theo tiếng Anh hay nến nằm trong nến, chữ Inside Bar được xuất phát theo cách giao dịch của trường phái Price Action. Nên cả 2 dạng này đều là phải có 1 cây nến lớn nằm phía trước, và nến nhỏ nằm trong.
Ngược với kết cấu của mẫu mô hình này chính là mẫu nến nhấn chìm, cũng là 1 mẫu 2 nến, nhưng nến thứ 1 phải là nến nhỏ, và nến thứ 2 sẽ phải là 1 cây nến lớn.
Để hiểu thêm hơn về Engulfing các bạn có thể đọc lại bài viết sau:
Mô hình Inside Bar vs Inside Day
Inside Day có lẽ là cụm từ bạn sẽ thỉnh thoảng nghe thấy, nếu xem các bài phân tích ở những web nước ngoài. Thực tế, đây vẫn chính là mẫu nến Inside Bar, nhưng nếu xuất hiện tại khung ngày, trader sẽ ưu ái gọi là nến Inside Day thay vì Inside Bar.
Bởi khung Daily hay khung ngày sẽ là khung giúp cho mô hình nến này đạt giá trị tin cậy cao hơn so với các khung từ H4 trở xuống. Điều này còn cho thấy 1 điều, trong suốt một ngày phe thắng thế không thể nào kiểm soát. giá để có thể vượt qua giá so với ngày hôm trước.
Như vậy Inside Day vẫn là nến Inside Bar nhưng nó dùng để ám chỉ tính chất giao dịch theo khung Ngày chứ không phải là H4, H1 hay M15.
Cách giao dịch với nến Inside Bar
Như diễn giải ở phía trên, khi xuất hiện Inside Bar đồng nghĩa thị trường đang trong giai đoạn tích lũy, đặc biệt khi xem mẫu mô hình này ở các khung thấp hơn, sẽ thấy giá đang chạy thu hẹp dần trong 1 tam giác. Và khi quá trình tích luỹ này diễn ra càng lâu thì khi chúng bùng phát sẽ càng mạnh. Vì đi theo hướng co cụm dần về phía cuối tam giác, nên bản thân trader phải kiên nhẫn chờ giá phá vỡ,mới bắt đầu vào lệnh.
Chính vì thế, với mô hình Inside Bar sẽ có 2 cách giao dịch, hay chính xác ở đây là chờ giá phá cạnh nào chúng ta sẽ đi theo hướng đó. Cụ thể như sau:
Nến Inside Bar giao dịch theo hướng tiếp diễn
Đây là xu thế chủ đạo được nhiều nhà đầu tư yêu thích, bởi một trong những điểm quan trọng nhất là phải xác định đúng xu hướng. Và nếu mô hình nến Inside Bar lại đi trùng với xu hướng giá đang chạy, thì được xem như là 1 cú nổ cực lớn, bởi sau một thời gian tích lũy, lấy đà thì đây chính là lúc để “bộc phá” quả lựu đạn có trong tay, giá có thể chạy từ vài chục pip là điều hết sức dễ hiểu.
Ở ví dụ trên có thể thấy GBP/USD sau khi hình thành các mấu Inside Bar đa nến, đã có những đà giảm cực mạnh sau khi giá đã phá vỡ mô hình nến Inside Bar.
Để tìm được điểm vào lệnh, mô hình này phải hoàn thành nến thứ 2, tức nến Inside Bar. Nhà đầu tư kiên nhẫn chờ tới khi nến thứ 2 đóng lại, bởi đây chính là cây nến sẽ tạo nên sự đột phá, sau 1 quá trình tích luỹ.
Chính vì thế, sau khi xác định mô hình nến Inside Bar đã được hình thành, trader phải chờ cây nến thứ 3 có sự phá vỡ, điều này sẽ thấy được dễ dàng hơn, nếu mô hình Inside Bar hình thành ở các khung D1 hoặc H4, hãy đối chiếu chúng ở các khung nhỏ hơn, để tìm kiếm được điểm vào lệnh.
Ví dụ trên là cặp GBP/USD tại khung D1, hãy xem mô hình nến Inside Bar ở khung H4:
Như hình ở trên có thể thấy, sau khi giá đã phá vỡ tam giác tích luỹ, giá đã bắt đầu giảm, tuy nhiên, vẫn đã test đi test lại nhiều lần trước khi thực sự lao xuống.
Với những mô hình như thế này:
Điểm vào lệnh sẽ luôn là điểm giá được phá vỡ.
Điểm cắt lỗ sẽ là nằm trên cây nến thứ 2 hay cây Inside Bar 1 vài pip, với cặp GBP/USD do biên độ dao động quá lớn bạn nên đặt cắt lỗ chút để tránh bị chạm cắt lỗ rồi giá mới quay đầu.
Tại sao điểm cắt lỗ lại nằm ở trên cây Inside bar là bởi vì khi giá vượt qua đó, theo lý thuyết Dow, giá sẽ hình thành đỉnh cao hơn, hoặc đáy thấp hơn, như vậy mô hình có thể đã bị False Break.
Điểm chốt lời: ở ví dụ trên mô hình Inside Bar được hình thành ở nến ngày, hay còn có tên gọi là Inside Day, nên khi chúng tiếp diễn xu hướng giảm, đã “cắm mỏ” rất mạnh.
Inside Bar được giao dịch theo hướng đảo chiều
Thực tế, trường hợp giao dịch theo xu hướng đảo chiều với mẫu nến Inside Bar này thường không hiệu quả bằng việc giao dịch Inside Bar theo dạng xu hướng tiếp diễn.
Chính vì thế để rõ ràng và khẳng định tính hiệu quả của giao dịch, cần xem xét vị trí mà Inside Bar xuất hiện nằm tại đâu, nếu trùng với các đường kháng cự và hỗ trợ thì tỷ lệ rủi ro sẽ giảm đi rất nhiều, cũng như sẽ nâng cao tỷ lệ win khi vào lệnh hơn.
Tại sao nến Inside Bar xuất hiện tại khúc vực hỗ trợ và kháng cự lại là 1 trong những điểm giao dịch tuyệt vời?
Là bởi vùng hỗ trợ và kháng cự là nơi thể hiện mức độ tâm lý của người mua và người bán. Ví dụ, nếu lượng người bán nhiều hơn người mua, họ sẽ đẩy giá xuống dưới mức hỗ trợ. Lúc này, một số người mua sẽ lo sợ vì bị mất tiền do mức hỗ trợ bị phá vỡ, họ sẽ tìm cách “thoát hàng” và đi ra khỏi thị trường. Trong khi đó, nếu phe Sell cảm thấy họ đang kiểm soát thị trường họ sẽ tiếp tục đẩy giá đi xuống thấp hơn nữa, và phe gấu sẽ thắng thế. Nếu bạn là 1 trader, bạn biết giá đã phá vỡ hỗ trợ sẽ chuyển thành kháng cự, đồng nghĩa phe gấu hay phe sell đang kiểm soát tình hình, và đây là cơ hội tốt để bạn thực hiện 1 lệnh Sell khống? Nhưng vấn đề ở đây là, làm sao bạn biết đây thực sự là cơ hội tốt để tham gia chứ không phải là mồi nhử của Mr Market đang mang ra dụ bạn?
Chính là tại lúc này bạn sẽ nhìn thấy mẫu nến Inside Bar xuất hiện, đây sẽ trở thành một trong những tín hiệu liên quan đến hành vi giá đáng tin cậy nhất.
Cặp tiền tệ EUR/USD sau khi đã hình thành mô hình nến Inside Bar tại vùng hình chữ nhật được tôi khoanh màu vàng, cũng chính tại điểm này EUR/USD đã chạm phải vùng hỗ trợ khá cứng, tuy nhiên vì không thể trụ vững, nên hỗ trợ đã biến thành kháng cự và EUR/USD đã giảm như bạn thấy.
Tuy nhiên, như tôi có nói do mô hình nến Inside Bar này về mặt cấu tạo là theo dạng tích luỹ nên nó chỉ hiệu nghiệm khi mà nó đi theo xu hướng tiếp diễn, với xu hướng đảo chiều như trên, giá thực sự không giảm ấn tượng nhiều. Bởi sau khi đà giảm này kết thúc, giá đã vòng lên và tăng mạnh trở lại.
Nên một lần nữa, nếu sử dụng mô hình nến Inside Bar này bạn nên thêm 1 số dữ kiện như đường kháng cự hỗ trợ, các mô hình giá cơ bản, sẽ “chắc ăn” hơn, bạn nhé.
Về các điểm vào lệnh, cắt lỗ sẽ tương tự như mô hình nến Inside Bar tiếp diễn mà chúng tôi giới thiệu phía trên.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
• Bitcoin (BTC) là gì? Thông tin mới nhất về Bitcoin
• Chi tiết sàn ICMarkets, hướng dẫn mở tài khoản giao dịch sàn ICMarkets
Tham gia kênh của chúng tôi để cập nhật tin tức và kiến thức mới nhất:
• Telegram: http://bit.ly/2VvsV1e
• Facebook: DiendanForex Vietnam