Upside Gap Two Crows (Tạm dịch: gap tăng và 2 con quạ) là cụm 3 nến đảo chiều giảm. Mô hình này thể hiện sự bất lực liên tiếp của bên mua trong việc cố gắng tiếp diễn xu hướng tăng. Tuy ít khi được nhìn thấy trên các biểu đồ nhưng khi 2 con quạ đen này xuất hiện, chúng cho tín hiệu giảm giá rất đáng tin cậy. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách nhận diện và giao dịch mẫu hình Upside Gap Two Crows kèm ví dụ thực tế.
Upside Gap Two Crows là gì?
Upside Gap Two Crows là mô hình đảo chiều gồm 3 nến với đặc trưng xuất hiện gap ở 2 cây nến giảm (được ví như 2 con quạ đen). Mô hình bắt đầu bằng một nến tăng, theo sau là hai nến giảm nằm bên trên như hình minh họa. Mô hình này hiếm khi xuất hiện trên thị trường vì khá đặc biệt cũng như các đặc điểm nhận dạng khá khắt khe.
Đặc điểm của Upside Gap Two Crows
Dưới đây là đặc điểm nhận dạng của mô hình Upside Gap Two Crows:
• Xuất hiện trong xu hướng tăng vì đây là mô hình đảo chiều từ tăng sang giảm.
• Nến đầu tiên là một nến tăng có thân dài
• Nến thứ hai xuất hiện sau một khoảng trống tăng (gap tăng) và là một nến giảm
• Giá mở cửa nến số 3 phải cao hơn giá mở cửa nến số 2, đồng thời giá đóng cửa của nến số 3 cũng phải thấp hơn phần thân nến thứ 2. Tức là thân nến thứ 2 phải nằm bên trong thân nến thứ 3.
• Tuy nhiên, nến số 3 phải đóng cửa bên trên giá đóng cửa của cây nến tăng dài thứ nhất.
Điều quan trọng cần nhớ ở Upside Gap Two Crows là nến đầu tiên phải dài và nến thứ 3 phải nhấn chìm (bao phủ) nến thứ 2. Mô hình này mặc dù hiếm khi xuất hiện nhưng lại cho tín hiệu đáng tin cậy, đặc biệt nếu có nến giảm sau đó xác nhận đảo chiều.
Diễn biến tâm lý của mô hình Upside Gap Two Crows
Cũng như nhiều mô hình đảo chiều giảm khác, ban đầu bên mua cố gắng đẩy giá lên rất cao tạo ra một nến thân dài. Không dừng lại ở đó, giá còn tạo tiếp một khoảng gap tăng khi mở cửa phiên giao dịch tiếp theo. Có vẻ như lực mua hiện tại là rất mạnh.
Nhưng đáng chú ý ở chỗ giá không thể bứt phá thêm được mà đành phải giảm xuống và đóng cửa ở bên dưới để tạo thành một nến đỏ. Tuy hơi có chút thất vọng nhưng tình hình vẫn ổn vì dù sao giá vẫn đóng cửa phía trên cây nến đầu tiên, bên mua vẫn có lợi nhuận.
Đến phiên giao dịch thứ 3, giá lại bất ngờ nhảy gap lên một lần nữa nhưng kết cục cũng không có gì khả quan hơn khi bên bán lại đẩy mạnh xuống, thậm chí đi còn xa hơn trong phiên trước.
Bên mua cứ có hy vọng rồi lại thất vọng, rồi lại có thêm hy vọng nhưng lại thất vọng nhiều hơn. Cuối cùng, họ đuối sức và bỏ cuộc, những người nắm giữ vị thế mua chốt lời nhiều hơn hoặc chuyển sang phe bán và kích hoạt một đợt giảm giá.
Hướng dẫn giao dịch với mô hình Upside Gap Two Crows
Đây là mô hình đảo chiều từ tăng sang giảm do đó chúng ta sẽ vào lệnh bán (sell/short). Upside Gap Two Crows có độ tin cậy cao do đó bạn có thể vào lệnh ngay sau khi nến số 3 đóng cửa. Nếu muốn an toàn hơn, có thể đợi thêm nến thứ 4 giảm để xác nhận đảo chiều.
Điểm dừng lỗ nên được đặt cách đỉnh mô hình vài pip và khoảng chốt lời nên được đặt khoảng gấp 2 – 3 lần khoảng dừng lỗ
Ví dụ thực tế của mô hình Upside Gap Two Crows
Dưới đây là một trong rất ít những ví dụ về mô hình Upside Gap Two Crows trên thị trường tài chính.
Mô hình xuất hiện trong đồ thị ngày của cổ phiếu công ty Apple (AAPL), được đánh dấu bằng vùng màu xanh dương. Ngày đầu tiên, giá tăng mạnh và tạo ra nến trắng thân dài. Đến ngày thứ hai, giá đã nhảy gap tăng và hình thành nến một Shooting Star (Bắn Sao), cũng là một mẫu nến đơn đảo chiều giảm. Cuối cùng, mô hình hoàn tất khi nến thứ 3 mở cửa bên trên nhưng giảm mạnh xuống, nhấn chìm thân nến Bắn Sao trước đó. Cổ phiếu Apple sau đó đã giảm về vùng tích lũy trước đó trước khi bật lên lại.
DiendanForex