Khung thời gian Forex (Time frame) là một thuật ngữ chỉ khung thời gian giao dịch trên thị trường Forex, binary option và Crypto. Mỗi Trader có thể lựa chọn bất kỳ một time frame nào để tiến hành phân tích và giao dịch, phụ thuộc vào phong cách và chiến lược của từng người. Bài chia sẻ hôm nay chúng ta tìm hiểu kỹ hơn về Time frame để áp dụng với trường phais giao dịch của các bạn cho phù hợp nhé.
Time frame là gì?
Time frame hay Khung thời gian là khoảng thời gian biến động của một cây nến trong một phiên giao dịch, nghĩa là mỗi cây nến sẽ được hình thành và biến động lên xuống trong một khoảng thời gian nhất định, hết khoảng thời gian đó thì một cây nến mới khác được hình thành.
Trong forex, có rất nhiều khung thời gian khác nhau, từ 1 phút đến 1 năm. Nếu là khung thời gian 1 phút thì mỗi cây nến sẽ thể hiện biến động của giá trong khoảng thời gian là 1 phút, và cứ sau mỗi phút thì một cây nến khác được hình thành. Tương tự, nếu là time frame 1 ngày thì khoảng thời gian mà mỗi cây nến tính từ lúc hình thành cho đến khi kết thúc là 1 ngày (từ 0:00 đến 23:59), và cứ sau một ngày thì một cây nến khác được hình thành.
Các time frame phổ biến trên biểu đồ Forex
Trên phần mềm MT4 có tất cả 9 time frames:
M1: khung thời gian 1 phút (với M là viết tắt của Minute)
M5: khung thời gian 5 phút
M15: khung thời gian 15 phút
M30: khung thời gian 30 phút
H1: khung thời gian 1 giờ (với H là viết tắt của Hour)
H4: khung thời gian 4 giờ
D1: khung thời gian 1 ngày (với D là viết tắt của Day)
W1: khung thời gian 1 tuần (với W là viết tắt của Week)
MN: khung thời gian 1 tháng (với MN là viết tắt của Month)
Ý nghĩa của time frame trong giao dịch Forex
Time frame giúp các nhà giao dịch xác định được thời gian biến động của một cây nến hay một phiên giao dịch là bao lâu và các mức giá mở cửa, cao nhất, thấp nhất, giá đóng cửa của tài sản trong khoảng thời gian đó là bao nhiêu.
Ví dụ: khung thời gian H1 của cặp tiền EUR/USD. Khi quan sát biểu đồ giá trên time frame này, chúng ta sẽ biết được những thông tin như sau:
Đối với các cây nến trong quá khứ, mỗi cây nến biến động trong khoảng thời gian một giờ. Nếu lựa chọn khoảng thời gian một giờ bất kỳ, giả sử 14:00 – 14:59, thì các bạn sẽ biết cây nến ứng với khoảng thời gian đó là cây nến nào, giá biến động tăng hay giảm, trong một giờ đó, giá đạt cao nhất là bao nhiêu, thấp nhất là bao nhiêu, mở cửa với mức giá bao nhiêu là đóng cửa với mức giá bao nhiêu.
Giả sử các bạn đang quan sát cây nến hiện tại là vào lúc 15:20 thì có nghĩa là cây nến này đã được hình thành từ 15:00 và sẽ kết lúc vào lúc 15:59. Giá mở cửa là mức giá được xác định lúc 15:00, và giá đóng cửa sẽ được xác định lúc 15:59. Giá cao nhất và thấp nhất sẽ không biết được cho đến khi cây nến kết thúc.
Hình trên là đồ thị giá của cặp tiền EUR/USD trên khung thời gian H1. Nếu sử dụng tọa độ thời gian nằm ngang bên dưới để xác định cây nến nào là của khoảng thời gian nào thì sẽ rất khó, nên các bạn chỉ cần đưa con trỏ vào mức giá High (cao nhất) của cây nến tăng (màu xanh) hoặc mức giá Low (thấp nhất) của cây nến giảm (màu đỏ) thì tất cả các thông tin giao dịch của cây nến đó sẽ hiện ra như trên hình, bao gồm: thời gian (thời gian bắt đầu của cây nến), giá Open, High, Low, Close và cả khối lượng giao dịch Volume.
Bên cạnh việc xác định độ biến động của giá trong một time frame nhất định thì chúng ta còn có thể xác định độ biến động trong một chu kỳ time frame. Giả sử các bạn sử dụng khung thời gian H1 thì chúng ta sẽ có các chu kỳ 9 giờ, 12 giờ hoặc 24 giờ, hoặc khung D1 thì có các chu kỳ 7 ngày, 14 ngày, 20 ngày hay 52 ngày...
Ví dụ: xét chu kỳ 14 ngày trong tháng 12. Chu kỳ đầu tiên bắt đầu từ ngày 1/12 đến ngày 18/12 (không tính các ngày T7, CN). Chu kỳ 14 ngày bao gồm 14 cây nến trên khung D1, với time frame này, các bạn sẽ xác định mức giá cao nhất và thấp nhất của chu kỳ là bao nhiêu, đồng thời cũng xác định được mức giá trung bình của chu kỳ (tổng giá đóng cửa của 14 cây nến D1/14).
Cách lựa chọn time frame theo phong cách giao dịch
Trên thị trường Forex, có 4 phong cách giao dịch phổ biến, được phân loại dựa vào thời gian nắm giữ vị thế, bao gồm scalping trading, day trading, swing trading và position trading, mỗi phong cách sẽ có những time frame phù hợp với nó. Chính vì thế, điều quan trọng không phải là lựa chọn time frame nào mà là xác định các bạn đang giao dịch theo phong cách nào hoặc sẽ định hình bản thân mình theo phong cách giao dịch nào.
✔ Scalping trading (giao dịch lướt sóng): là phong cách giao dịch có thời gian nắm giữ vị thế rất ngắn, chỉ từ vài phút đến vài giờ. Những trader theo đuổi phong cách này là những người ưa thích sự nhanh chóng và có tính mạo hiểm cao. Họ có nhiều thời gian dành cho việc phân tích và giao dịch, một ngày có thể mở từ vài chục đến vài trăm lệnh, nên time frame phù hợp dành cho phong cách này là những time frame ngắn như M1, M5, hoặc M15.
✔ Day trading (giao dịch trong ngày): là phong cách giao dịch có thời gian nắm giữ vị thế từ vài giờ và đóng lệnh trước khi phiên giao dịch ngày kết thúc, nghĩa là sẽ không giữ lệnh qua đêm. Day trading cũng là một phong cách giao dịch ngắn hạn, cùng với scalping trading nhưng nó sử dụng các time frame dài hơn như M15, M30 hoặc H1. Đây cũng là phong cách được rất nhiều trader mới theo đuổi.
✔ Swing trading (giao dịch trung hạn): những người theo đuổi phong cách này thường không có quá nhiều thời gian dành cho công việc trading và theo dõi thị trường liên tục nên thời gian nắm giữ vị thế của họ từ vài ngày đến vài tuần. Khung thời gian phù hợp với phong cách này bao gồm H1, H4 hoặc D1.
✔ Position trading (giao dịch vị thế): là phong cách có thời gian nắm giữ vị thế dài nhất, từ vài tuần đến vài tháng. Những người theo đuổi phong cách giao dịch này thích sự an toàn và hướng đến lợi nhuận trong dài hạn hay đầu tư giá trị. Những time frame phù hợp với phong cách này thường là D1, W1 hoặc MN.
Trader mới thường nóng lòng muốn thấy lợi nhuận ngay nên họ thường chọn các khung thời gian rất ngắn để giao dịch như M1 hay M5 và đa số là thất bại thảm hại. Scalping trading là phong cách rất dễ theo đuổi nhưng lại vô cùng khó để thành công, vì nó đòi hỏi kinh nghiệm, kiến thức và sự ứng biến chuyên nghiệp trước những biến động bất ngờ của thị trường. Với tư cách cá nhân và chính bản thân chúng tôi đã có sự trải nghiệm giống như các bạn lúc bắt đầu, thì time frame mà chúng tôi khuyến khích các bạn sử dụng tối thiểu là trên khung H1, không nên giao dịch ở những time frame thấp hơn, tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc hoàn toàn vào sở thích của mỗi người.
Một điểm lưu ý nữa khi lựa chọn time frame để giao dịch chính là sự phù hợp với nguồn vốn của tài khoản. Nếu giao dịch trên một time frame ngắn, các bạn hoàn toàn có thể đặt các mức chặn lỗ hoặc chốt lời xa hơn so với điểm vào lệnh, vì khoảng cách giữa các điểm này trên time frame ngắn là không đáng kể. ngược lại, nếu giao dịch trên time frame lớn như D1, hay W1 thì các khoảng cách này có giá trị rất lớn, đòi hỏi các bạn phải có số vốn lớn hơn.
Hình bên trái là time frame M5, bên phải là time frame D1. Khoảng cách từ điểm vào lệnh đến stop loss trên khung M5 khá xa và rõ ràng, nhưng khi đối chiếu qua khung D1 thì bị thu hẹp lại, nhưng khoảng cách ứng với số pip là không thay đổi.
Phân tích và giao dịch đa khung thời gian
Giao dịch đa khung thời gian nghĩa là các trader thường sử dụng ít nhất là 2 time frame để phân tích và đặt lệnh giao dịch. Việc sử dụng đa khung thời gian sẽ giúp cho họ có được cái nhìn tổng quát nhất về thị trường, hơn là việc chỉ quan sát giá trên một time frame duy nhất.
Phần lớn Trader mới chỉ làm việc trên một time frame duy nhất, xem đó là bước đi của toàn bộ thị trường mà bỏ qua những time frame khác. Tuy nhiên, việc này dễ dàng khiến họ gặp rủi ro do một xu hướng mới, một sự đảo chiều thường hay xuất hiện trên một khung thời gian khác. Chính vì thế, khi giao dịch trên time frame, các bạn cần hướng tầm nhìn ra xa hơn bằng cách quan sát thị trường trên nhiều khung thời gian khác nhau.
Chiến lược cơ bản để sử dụng đa khung thời gian chính là các bạn lựa chọn một time frame yêu thích hay time frame phù hợp với phong cách giao dịch của mình, sau đó quan sát thị trường trên một khung thời gian lớn hơn. Time frame lớn hơn sẽ cho các bạn một bức tranh tổng thể nhất, từ đó dự đoán được xu hướng chung của thị trường là đang tăng hay giảm. Sau khi xác định được xu hướng, các bạn quay trở lại khung thời gian nhỏ hơn ban đầu để xác định các điểm vào lệnh, chốt lời và cắt lỗ.
Việc sử dụng đa khung thời gian còn giúp cho trader phân tích xu hướng một cách chính xác hơn. Giả sử các bạn đang phân tích cây nến tăng trên khung D1, một cây nến tăng trên khung D1 chỉ cho các bạn biết trong ngày hôm đó, giá biến động theo hướng đi lên, mở cửa ở mức giá nào, đóng cửa ở mức giá nào và đạt được các mức High, Low là bao nhiêu. Nhưng nếu các bạn quan sát cây nến đó trên khung thời gian nhỏ hơn, chẳng hạn như M30, các bạn sẽ biết được cụ thể hơn từng chuyển động của giá trong ngày hôm đó như thế nào, giá tăng trước rồi giảm, sau đó kết thúc phiên bằng đợt tăng lên lại hay giá mở cửa với xu hướng đi xuống trước sau đó đảo chiều đi lên cho đến cuối phiên? Cây nến trên time frame D1 không thể giúp các bạn xác định được những thông tin đó.
Phiên giao dịch ngày 18/12/2020 trên khung thời gian D1 được biểu thị bằng một cây nến pin bar giảm. Nếu nhìn vào cây nến đó thì chúng ta chỉ biết được là phe bán đã cố gắng đẩy giá xuống sâu nhưng một lực mua mạnh hơn đã kéo giá lên lại, làm cho bóng nến dưới dài. Kết thúc phiên giao dịch giá vẫn thấp hơn so với lúc mở cửa nhưng chúng ta sẽ không biết được là khoảng thời gian gần cuối phiên, giá đi xuống hay đi lên?
Cây nến D1 này được “mổ xẻ” chi tiết hơn trên khung thời gian M30. Nhìn vào diễn biến của giá trên time frame nhỏ hơn này, các bạn đã hoàn toàn có thể trả lời được cho câu hỏi trên.
Việc sử dụng đa khung thời gian để mổ xẻ nến như trên có vai trò rất quan trọng khi giao dịch với các mô hình nến.
Ví dụ: phân tích cặp tiền USD/JPY trên khung thời gian D1 và H1
Trên khung thời gian D1, giá đang hình thành mô hình nến Inside bar, mô hình này xuất hiện trong một xu hướng tăng khá dài trước đó, khả năng là giá sẽ phá vỡ giảm, xu hướng đảo chiều. Tuy nhiên, chúng ta cần thêm dữ kiện để xác định xu hướng chính xác hơn.
Khi quan sát đồ thị giá trên khung thời gian thấp hơn, H1, thì chúng ta có thể thấy giá đang hình thành mô hình tam giác và đây là lại là mô hình tam giác giảm, xác suất để giá phá vỡ giảm cao hơn so với phá vỡ tăng. Tại đây, các bạn có thể tự tin vào một lệnh Sell.
Quay trở lại khung thời gian D1, các bạn có thể chờ đợi cây nến phá vỡ mô hình inside bar xuất hiện rồi vào lệnh. Và kết quả hoàn toàn như mong đợi.
Giao dịch đa khung thời gian trên time frame nào?
Gọi là giao dịch đa khung thời gian nhưng với kinh nghiệm của mình, chúng tôi khuyên các bạn chỉ nên sử dụng từ 2-3 time frame, sử dụng nhiều hơn 3 sẽ dễ bị nhầm lẫn trong việc phân tích. Time frame lớn nhất được sử dụng để nhận dạng xu hướng chính, time frame lớn thứ hai xác định xu hướng trung hạn và time frame nhỏ nhất là xu hướng ngắn hạn và cũng thường là khung thời gian để vào lệnh.
Một vài sự kết hợp về đa khung thời gian mà các bạn có thể tham khảo như (M5, M15, M30), (M5, M30, H4), (M30, H1, H4), (M30, H4, D1), (H1, H4, D1), (H4, D1, W1)..
Sử dụng đa khung thời gian để giao dịch sẽ giúp cho việc phân tích và ra quyết định được chính xác hơn, đồng thời loại bỏ được yết tố chủ quan khi chỉ quan sát thị trường trên một time frame duy nhất. Tuy nhiên, để làm được điều này thì đòi hỏi trader phải có kỹ năng và kinh nghiệm phân tích, các bạn hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có sự luyện tập và tính kiên nhẫn.