Một trong những gánh nặng của người trưởng thành là những nỗi lo về những biến đổi của cuộc sống, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 và những hệ quả mà nó mang lại đã đặt thế giới vào tình trạng biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ như hiện tại. Thế nhưng, việc trầm mình trong lo lắng không giải quyết được vấn đề mà chúng ta cần hành động chuẩn bị đối mặt và vượt qua chúng để cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đừng bao giờ chờ “trời kêu ai nấy dạ”
Bản chất của rủi ro là không thể lường trước được. Nhưng việc chủ động lên kế hoạch giảm thiểu hậu quả do rủi ro gây ra luôn hiệu quả hơn là bị động chờ rủi ro đến mới bắt tay vào đối phó.
Đời sống ổn định, cơ thể khỏe mạnh và kinh tế vững chãi luôn là những điểm tựa hiệu quả giúp chúng ta vượt qua những “sóng gió” khó lường của cuộc sống. Vì vậy, hãy bắt đầu lập kế hoạch và tiết kiệm cho các mục tiêu đời sống của bạn càng sớm càng tốt, từ việc mua nhà, đầu tư sức khỏe gia đình, đầu tư vào giáo dục cho con cái hay chuẩn bị tài chính để nghỉ hưu. Việc lập kế hoạch chủ động sẽ cho bạn cái nhìn rõ ràng, toàn diện về hiện tại cũng như tương lai. Càng sớm lên kế hoạch bạn càng có nhiều thời gian chuẩn bị, cũng như tạo hiệu quả tâm lý, giảm lo âu vì nắm thế chủ động trong cuộc sống và an tâm tận hưởng hạnh phúc ở hiện tại.
Không từ bỏ mục tiêu
Lên kế hoạch không hề dễ dàng, theo đuổi mục tiêu đã đề ra lại càng khó khăn hơn. Cuộc sống với nhiều biến động đôi khi làm chúng ta mệt mỏi và cảm thấy muốn buông xuôi. Nhưng dù cuộc sống có lúc lên xuống thế nào, đừng từ bỏ mục tiêu đã đề ra. Chúng ta có thể đi “đường vòng” hay linh hoạt thay đổi kế hoạch, miễn là vẫn bám sát mục tiêu đã đặt ra thay vì cứ cứng nhắc theo sát kế hoạch ban đầu đã không còn phù hợp và gây nhiều căng thẳng hơn. Nếu kinh tế không đủ cho con theo học tiếp trường quốc tế? Không sao, con vẫn có thể được hưởng thụ nền giáo dục chất lượng tại những trường công lập cao cấp với chi phí phù hợp hơn. Năm nay bạn vẫn chưa tiết kiệm đủ để mua ngôi nhà mơ ước? Hãy cố gắng nhiều hơn vào năm sau và biết đâu, bạn lại có “cơ duyên” gặp được ngôi nhà còn tốt hơn.
Một mẹo nhỏ giúp bạn quản lý kế hoạch theo sát mục tiêu đã đề ra: hãy ghi lại nhật ký đời sống cũng như nhật ký tài chính của gia đình mỗi ngày và xem lại chúng vào cuối tuần. Khi đó, bạn có thể đánh giá được những việc làm, những khoản chi nào là không cần thiết để điều chỉnh sinh hoạt của cả nhà vào tuần tiếp theo. Dữ liệu và thông tin cụ thể sẽ giúp ích hiệu quả cho bạn hơn là những đánh giá mang tính ước chừng.
Xây dựng những mục tiêu ngắn hạn phục vụ cho mục tiêu dài hạn
Đừng chỉ chăm chăm nhắm tới các mục tiêu dài hạn như chuẩn bị cuộc sống hưu trí hay tương lai toàn diện của con mà quên đi các mục tiêu cần thực hiện ngay như bảo vệ sức khỏe để tận hưởng cuộc sống dài lâu hay đầu tư hợp lý vào các ý tưởng kinh doanh nhiều tiềm năng để gia tăng thu nhập. Đây chính là những bước đệm giúp chúng ta thu về nhiều hơn trong tương lai. Cũng đừng quên đặt ra “deadline” và các chỉ tiêu thật cụ thể cho các mục tiêu để đảm bảo chúng được thực hiện nghiêm túc. Ví dụ: tôi cần 2 tháng để rèn luyện thói quen ngủ trước 11 giờ tối; trong năm nay, tôi sẽ đi bộ 6000 bước mỗi ngày; tôi sẽ đọc sách cùng con 30 phút mỗi ngày trong tháng này; tôi sẽ có 2 năm và dành ra 15% thu nhập để thử sức ở việc đầu tư vào các quỹ tiềm năng.
Đưa ra các quyết định logic dựa trên dữ liệu thực tế
Hãy đảm bảo các mục tiêu tài chính bạn đề ra luôn theo sát thực tế trước khi đưa ra quyết định hành động. Nếu muốn vay mua nhà hay cho con học trường quốc tế thì phải căn cứ vào tình hình tài chính ở thời điểm hiện tại có thể trả khoản đặt cọc cũng như đảm bảo khả năng thanh toán định kỳ trong tương lai. Lên kế hoạch tài chính cho việc hưu trí nhưng cũng không thể lơ là vai trò quan trọng của nguồn quỹ bảo vệ sức khỏe. Bạn cần nhận định đúng tiềm lực tài chính của mình dựa vào tình hình thực tế, cũng như tránh để cảm xúc chi phối trước khi đưa ra các quyết định. Đừng quên việc cân nhắc cả lợi nhuận có thể thu được cũng như các khoản lỗ có thể xảy ra trước mọi quyết định đầu tư nhé!
Gia tăng các lớp bảo vệ
Trước những biến cố của cuộc sống, có nhiều lớp bảo vệ không bao giờ là thừa thãi. Khi còn nhỏ, cha mẹ là những người bảo vệ vững chãi cho chúng ta trước những “gió mưa” của cuộc đời. Nhưng khi ta lớn, ta không chỉ là chỗ dựa cho con cái mà còn quay lại che chở cho những bậc sinh thành. Nếu có rủi ro nào xảy đến, ai sẽ là “lá chắn” cho chúng ta? Đây là lúc chúng ta cần “trông cậy” vào sự trợ giúp từ các giải pháp như bảo hiểm, tích lũy. Với bản chất là “bảo vệ”, chúng chỉ phát huy vai trò vào những lúc cuộc sống của bạn đứng trên bờ biến động. Vì vậy, đừng coi nhẹ vai trò của chúng mà hãy nghiêm túc cân nhắc việc gia tăng các lớp bảo vệ này ngay từ hôm nay.
Đừng quên giá trị của sự tư vấn chuyên nghiệp
Vì không thể nào chắc chắn quyết định cá nhân là chính xác, chúng ta có xu hướng tiềm kiếm sự tư vấn từ các nguồn quen thuộc như người thân, bạn bè hay thậm chí là từ người lạ trên mạng xã hội, rồi cuối cùng lại quyết định dựa theo kinh nghiệm cá nhân. Tuy nhiên, rất có thể niềm tin của bạn đang đặt sai chỗ, mỗi người trong chúng ta có tình trạng, mục tiêu cũng như khả năng chịu rủi ro hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, các kế hoạch tài chính cần được “cá nhân hóa” theo từng trường hợp.
Các chuyên viên tư vấn tài chính chuyên nghiệp với nhiều năm kinh nghiệm và được cập nhật liên tục các kiến thức mới, các công cụ tài chính mới sẽ hỗ trợ bạn tốt hơn trong việc đưa ra quyết định cũng như hạn chế các sai lầm phổ biến như đầu tư dài hạn thiếu chiến lược hoặc thiếu biện pháp phòng tránh rủi ro tài chính. Vì vậy, đừng ngại ngần tìm kiếm lời khuyên tài chính từ chuyên gia để có thể an tâm và đảm bảo rằng kế hoạch tài chính của ta đang đi đúng hướng.
Vượt qua nỗi sợ không hề dễ dàng. Nhưng chúng ta có cả một cuộc đời dài để sống trước mắt. Vì vậy thà học cách vượt qua nỗi sợ để vui vẻ tận hưởng hạnh phúc từ những điều ta nắm chắc ở hiện tại hơn là đắm chìm vào lo lắng vì những điều chưa biết chắc ở tương lai.
DiendanForex